nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện

Hơn 20 năm em dâu đi tìm mộ anh chồng – liệt sĩ

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước không còn tiếng bom rơi, đạn nổ, nhưng đâu đó vẫn còn những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt của nhiều người mẹ, người vợ đang chờ tin con, tìm chồng. Đã có nhiều người thân ngày đêm trông mong, không quản ngại khó khăn vất vả để tìm thấy hài cốt của các liệt sĩ đang bị thất lạc hoặc chìm lấp trong bạt ngàn rừng cây, dưới thung sâu bằng nhiều cách khác nhau. Trong số đó phải kể đến việc đi tìm mộ anh chồng – liệt sĩ Trần Văn Bào ở bên nước bạn Lào bằng phương pháp tâm linh của chị Nguyễn Thị Phương Thảo ở thành phố Thái Nguyên.

Sau bốn tháng lặn lội tìm được mộ anh chồng, đến giờ chị Thảo vẫn chưa hết vui mừng, xúc động kể về hành trình tìm kiếm người anh chồng của mình kéo dài hơn 20 năm qua.

Từ một giấc mơ và những thông tin bất ngờ….

Cách đây 37 năm, chị Nguyễn Thị Phương Thảo – người con gái của mảnh đất trung du Phú Thọ đã nên duyên cùng anh Thắng, làm dâu trong một gia đình giầu truyền thống cách mạng của tỉnh Bắc Giang. Vừa chân ướt chân ráo về nhà chồng, với vai trò người con dâu út trong gia đình, chị Thảo đã được bố chồng kể về sự hi sinh anh dũng của người con trai cả – liệt sĩ Trần Văn Bào.
Qua nhiều năm tìm kiếm nhưng gia đình vẫn chưa tìm thấy hài cốt của anh. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, ông vẫn còn day dứt, mong mỏi có ngày được thấy sự trở về của người con cả nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nỗi niềm của người cha già như có sức lan tỏa khiến chị Thảo coi như là nhiệm vụ lớn mình cần đáp ứng. Mặc dù chưa một lần gặp anh, nhưng đã có những lần chị mơ thấy anh Bào “đứng dưới gốc cây to giữa đồi cỏ gianh xanh mướt. Anh nói: Anh bị chết oan. Anh đã gửi về cho gia đình một lá thư viết bằng màu tím, rất đẹp”. Giấc mơ ấy cứ đeo đẳng chị suốt mấy chục năm. Do vậy, khi có điều kiện, chị Thảo lại tìm đến các cơ quan liên quan như Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, huyện miền Tây Bắc, rồi sang cả nước bạn Lào, ăn ở nhờ nhà dân dăm bữa nửa tháng để may ra có thông tin gì về anh Bào. Có lần chị thân chinh Nam tiến tìm đến người đồng đội cũ của anh tên là Nhật với hi vọng may ra có thông tin về anh mình. Nhưng hôm chị tìm được địa chỉ nhà anh Nhật thì không may anh Nhật lại trở ra miền Bắc giải quyết công việc. Mãi sau này, chị được anh Nhật cung cấp cho một số thông tin: Anh Nhật và anh Bào gặp nhau ở thung lũng Bo Văn sáng 27-7-1968. Anh Bào bị vướng lựu đạn của địch trong khi đang gùi gạo về Huội Khoa Khăn Ngặm trên đất Lào, hi sinh luôn tại đó. Nhưng bây giờ hài cốt anh Bào ở đâu thì vẫn chưa có lời giải đáp. Người cha già của chị tuổi cao sức yếu đã bỏ lại nợ trần gian về với tổ tông, để lại di nguyện với con cháu, nhất là với riêng chị Thảo: cố gắng tìm và đưa anh Bào về với quê hương.

Cuộc tìm kiếm tưởng chừng vô vọng, thì bỗng một hôm, người hàng xóm sang chơi khoe với chị Thảo là gia đình họ đã tìm được ngôi mộ thất lạc của gia đình nhờ sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện – cán bộ ngoại cảm ở Liên hiệp Khoa học UIA. Như người có bệnh thì vái tứ phương, chị Thảo hỏi cặn kẽ tỉ mỉ người hàng xóm về cách thức đi tìm mộ như thế nào, đồng thời tìm hiểu thêm qua các phương tiện thông tin đại chúng về việc đi tìm mộ bằng phương pháp tâm linh. Chị Thảo lại thu xếp công việc gia đình cùng chồng lặn lội hỏi thăm đến gặp cô Nguyện với một mong muốn tìm được mộ của anh mình.

Từ sáng sớm tinh sương ở nhà đi, vậy mà khi cái nắng chiều đã nhạt dần hai vợ chồng chị mới tìm gặp được cô Nguyện. Lúc này trong văn phòng làm việc của cô còn rất đông người ngồi chờ. Anh Thắng – chồng chị Thảo tỏ ý nản lòng băn khoăn vì không biết bao giờ mới đến lượt mình, liệu rồi có được kết quả gì không? Thấy vậy, chị Thảo quay ra động viên chồng: đã đi đến đây rồi phải kiên nhẫn, mặc dù lúc đó chị Thảo chưa biết ai là nhà ngoại cảm. Thấy mọi người chờ, mình cũng chờ. Nghĩ vậy, mắt còn đang quan sát, tìm chỗ ngồi thì có người phụ nữ đứng tuổi ở trong nhà hỏi vọng ra:

– Có ai là người nhà liệt sĩ tên vần B?

Theo phản xạ tự nhiên, chị Thảo đáp nhanh:

– Có, có tôi ạ!

Mấy người ngồi chờ ở gần giục: “Cậu Nguyện đấy! Gớm, nhà này có vong thiêng thế! Nhanh vào nghe đi!”. Như có luồng điện chạy qua làm chị gai lạnh cả người và linh tính mách bảo rằng anh chồng chị – Liệt sĩ Trần Văn Bào đang hiện hữu nơi đây. Chị vội kéo chồng vào ngồi ghế trước mặt cô Nguyện – người phụ nữ đứng tuổi mà khi nãy chị chưa biết là ai. Cô Nguyện nói:

Liệt sĩ vần B có nước da trắng, đi đến đây cùng một người con gái cũng xinh xắn. Liệt sĩ hi sinh trong trường hợp tấn công địch, bị mất một bàn chân. Được chôn cất tử tế. Hài cốt hiện giờ ở Lào, chưa được khai quật, quy tập. Trước khi hi sinh có được về thăm nhà một lần.

Khi bố chồng còn sống, chị Thảo được nghe kể, người yêu của anh Bào rất xinh gái, là người cùng xã, hai người chưa kịp nên nghĩa vợ chồng thì anh chia tay chị vào chiến trường, chị giữ lời hẹn ước với anh cho đến lúc qua đời! Vậy ra, chị ấy linh thiêng, biết vợ chồng chú em đi tìm anh Bào mà hôm nay cũng theo đến đây. Lầm rầm, chị khấn nguyện, cầu cho anh và chị có linh thiêng thì về cung cấp thông tin cho Nhà ngoại cảm được rõ ràng để các em đi tìm có kết quả. Nhìn cô Nguyện vừa vẽ sơ đồ chỉ dẫn nơi chôn cất phần mộ anh, chị vừa mừng vừa lo. Nhận lại bản sơ đồ chỉ dẫn từ nhà ngoại cảm, không giấu được nỗi xúc động, chị òa khóc. Trời cũng đã nhá nhem tối, hai vợ chồng mừng mừng tủi tủi ra về hẹn ngày được cô Nguyện chỉ dẫn cho các bước tiếp theo.

Gác mọi công việc gia đình, chị lao vào cuộc tìm kiếm anh. Một mặt chị phôtô bản sơ đồ chỉ dẫn của nhà ngoại cảm gửi tới những người đồng đội của anh mình nhằm xác định địa danh, địa hình nơi anh hi sinh. Mặt khác, chị liên lạc với quân khu IV tìm kiếm thêm thông tin trên sổ sách giấy tờ lưu trữ. Các thông tin được thu thập thêm: Liệt sĩ Bào hi sinh ngày 27-7-1968 ở bản Nậm Khan – Lào; Nơi an táng: Nghĩa trang Na Cốc – Lào (theo hồ sơ xác nhận của Quân khu IV); Hi sinh cùng đợt với liệt sĩ Bào còn có sáu liệt sĩ nữa cùng C; bị trúng đạn của địch ở vùng bụng (ông Phát – đồng đội liệt sĩ cho biết)… có sự trùng lặp với thông tin mà nhà ngoại cảm đưa ra trước đây, do vậy càng củng cố thêm niềm tin, hi vọng đối với chị Thảo.

1

(Sơ đồ tìm mộ Liệt sĩ Trần Văn Bào tại Lào do cô Nguyện vẽ)

Đến cuộc tìm kiếm trên đất nước Lào

Ngày 15-01-2010, vợ chồng chị Thảo lại lặn lội sang nước bạn Lào. Trong chuyến đi lần này còn có sự đồng hành, giúp đỡ hỗ trợ của Đội Quy tập mộ liệt sĩ Quân khu II, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Vượt qua hàng trăm kilômét đường đồi núi ngoằn nghèo, sáng 17-01-2010 chị Thảo cùng đoàn đi đã có mặt tại bản Na Cốc huyện Nậm Bản của xứ sở triệu voi. Tới đây, chị Thảo và đại diện của Đội Quy tập mộ liệt sĩ Quân khu II nhanh chóng trao đổi, bàn bạc các thủ tục cần thiết với chính quyền, nhân dân địa phương và nhận được sự giúp đỡ tận tình của mọi người.

Nghĩa trang Na Cốc (bây giờ để hoang, cỏ gianh mọc ngút ngàn) cách trung tâm huyện Nậm Bản hơn hai chục kilômét là nơi nhân dân Lào chôn cất hàng trăm thi hài liệt sĩ của Việt Nam. Trong thời gian qua, Đội Quy tập mộ liệt sĩ Quân khu II đã không ít lần tìm kiếm và đưa thi hài của các anh về quê hương. Con số đó chưa hẳn đã tuyệt đối nhưng cũng khá đầy đủ. Song chị Thảo không lấy đó mà kém lòng tin, bởi trong chuyến đi Đô Lương – Nghệ An năm trước, khi tra cứu hồ sơ lưu trữ của Quân khu IV thì hi sinh cùng đợt với anh Bào còn có sáu liệt sĩ nữa, chị đã cẩn thận ghi lại tên những người này (có người đã được đưa về, có người thì chưa). Vừa rồi, làm việc với người dân bản Na Cốc thì già bản cũng cho biết “hài cốt liệt sĩ Việt Nam vẫn còn sót đấy chưa hết đâu”, vì vậy chị càng vững tin vào việc mình làm hôm nay, đó là tìm thấy anh mình.

Sau khi thắp hương khấn thần linh thổ địa, các hương linh liệt sĩ tại nghĩa trang, chị đưa tấm sơ đồ ra để xác định vị trí, nhưng nghĩa trang cứ ngút ngàn toàn là cỏ gianh, không biết phần mộ liệt sĩ ở đám cỏ gianh nào. Chị Thảo kết nối điện thoại với cô Nguyện, được cô chỉ dẫn:

Trước mặt chị có một búi giống búi tre ở Việt Nam (búi ngà). Lấy búi đó làm mốc, nhìn về hướng Đông Bắc chừng tám thước rưỡi, có một gốc cây, anh liệt sĩ nằm cách cây đó khoảng một mét.

Cái nắng Lào như thiêu như đốt nhưng không làm mọi người nản chí, họ bắt tay ngay vào việc đào bới tìm hài cốt liệt sĩ ở một gốc cây cách gần 1 mét. Nhưng đào mãi, từ 10h30 đến 16h kém 15 vẫn chưa thấy tín hiệu gì. Vừa chờ đợi vừa mệt, một số người dân bản tản mát ra về, còn các chiến sĩ Đội Quy tập cũng thấy uể oải, chán nản. Chị Thảo sụt sùi khóc gọi điện thoại lại cho cô Nguyện. Cô bảo:

– Đào sai rồi. Hướng Đông Bắc cơ mà. Cạnh chỗ anh liệt sĩ nằm có loại hoa tim tím giống như hoa mua ở Việt Nam đấy (hoa bìm bìm). Chỗ đấy còn có cây rủ rủ giống như cây liễu ở Việt Nam, ngay sát con đường mòn cũ. Đào sâu khoảng 70cm thì thấy hài cốt của anh ấy đấy!

Chị Thảo hỏi người dân bản con đường mòn cũ, thật không ngờ vị trí đó không xa, mà còn lạ hơn, chính chỗ đó là nơi chị đã để túi, thắp nén hương đầu tiên, có cái cây đã bị bật gốc nằm ngang con đường mòn. Như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, mọi người tiếp tục tiến hành đào bới, khai quật. Đến 17h5′, một chiến sĩ trong Đội Quy tập đã phát hiện ra hài cốt của liệt sĩ qua tiếng “bục” (hầu hết các liệt sĩ được người dân chôn cất trong túi nilông). Anh hét lên: “Thấy rồi!”

Mọi người mừng quýnh, xúm lại quanh hố mộ. Thận trọng và bình tĩnh hơn, người đội trưởng chỉ huy anh em đào rộng và dài ra thì thấy dần hiện bọc nilon dài theo hình hài cốt. Các chiến sĩ Đội Quy tập mộ nhẹ nhàng lần lượt nhặt từng mảnh xương của liệt sĩ lên. Từ xương sọ, xương sườn đến các đoạn xương tay… đều nguyên vẹn, chỉ riêng xương bàn chân trái bị thiếu hẳn – đúng như lời nhà ngoại cảm Nguyện tiên báo lần đầu tiên. Lại thêm vật chứng nữa: có ba viên đạn còn găm lại ở vùng xương bụng của liệt sĩ – giống như đồng đội của anh cho biết. Chị Thảo nghẹn ngào không tin nổi ở mắt mình, nước mắt tuôn trào. Anh Thắng thì mừng vui, lúng túng cứ đi đi lại lại. Còn người dân thì khóc lóc, la hét, nhảy múa náo loạn cả cánh đồng (họ mừng vui chúc phúc cho gia đình chị Thảo đã tìm được thân nhân – đây là phong tục của người dân Lào gọi là vạ làng). Vậy là “nhân chứng, vật chứng” đều đủ cả trước sự chứng kiến của hàng chục người dân bản, các chiến sĩ Đội Quy tập mộ Quân khu II khẳng định: đây chính là hài cốt của Liệt sĩ Trần Văn Bào.

2

(Bản xác nhận của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện NanBak về việc tìm thấy hài cốt của các Liệt sĩ ngày 05-3-2010)

Ba ngày tìm được bốn liệt sĩ

???????????????????????????????

(Hài cốt của Liệt sĩ thứ hai được tìm thấy cùng với nhiều đoạn kim loại…)

Tìm thấy anh Bào cũng vừa lúc bóng tối bao trùm khắp cả nghĩa trang. Chị Thảo vừa khóc vừa gọi điện về báo cáo kết quả với cô Nguyện. Cô Nguyện bảo: “Chưa thấy anh: khóc. Thấy anh rồi cũng khóc. Nhưng nghỉ ngơi đi, mai còn phải đưa ba anh nữa về cùng đấy!”. Chị Thảo vâng, dạ cảm ơn cô Nguyện (nhưng dường như chưa ý thức được lời cô “nhắn gửi”) rồi cùng các chiến sĩ trong Đội Quy tập mộ ăn uống qua loa, tìm chỗ trải bạt nghỉ ngơi ngay tại nghĩa trang. Theo tục của người Lào thì khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ hay người thân của mình chỉ được đưa về nhà tưởng niệm chứ không được đưa về nhà hay cơ quan, trường sở, tránh sự xui xẻo cho nhân dân quanh vùng. Vì vậy, hài cốt của anh Bào được mọi người gói ghém cẩn thận treo lên một cành cây gần đó để dễ trông nom.

Đêm ở xứ người, lại nằm ở nghĩa trang sao mà lạnh lẽo, vắng vẻ! Các chiến sĩ trong Đội Quy tập mộ Quân khu II dường như đã quen với điều này, lại thêm ban ngày đào bới kiếm tìm mệt mỏi nên giấc ngủ đến với các anh nhanh chóng. Riêng chị Thảo – người phụ nữ duy nhất trong đoàn trằn trọc lúc mơ lúc tỉnh. Chợp mắt được một lúc chị lại mơ thấy anh Bào – khuôn mặt hiện rõ sự vui mừng rạng rỡ. Cùng đi với anh còn có các đồng đội của anh, họ tha thiết được trở về quê hương. Chị tỉnh giấc, lẩm nhẩm khấn xin các liệt sĩ, nhất là anh Bào phù hộ cho mọi người yên lành. Chị nhớ lại: lúc trưa, khi chưa tìm thấy anh Bào chị đã khấn xin các anh linh liệt sĩ phù hộ cho chị tìm thấy anh mình rồi nếu thấy các anh thì đưa các anh về cùng! Và thêm nữa, qua cuộc điện thoại lúc tối, cô Nguyện còn dặn thêm: “đưa ba anh nữa cùng về”. Xâu chuỗi các chi tiết lại với nhau, chị Thảo toát mồ hôi vì điều mình hứa với các vong linh thì không nên hứa suông.

Vậy là, sáng sớm hôm sau, chị gọi điện thoại liên lạc với cô Nguyện trình bày về việc tìm mộ đồng đội của anh Bào. Cô cho biết:

– Bây giờ lần lượt tìm từng anh. Anh thứ hai cách chỗ anh Bào không xa, chỉ khoảng bốn mét thôi. Đào dịch lên phía trên nhé!

Chị Thảo lại thắp hương, làm lễ khấn xin thần linh thổ địa, hương linh các liệt sĩ. Rồi, từ thông tin cô Nguyện chỉ dẫn, chị cùng các chiến sĩ trong Đội Quy tập mộ đào bới, tiếp tục tìm kiếm. Rút kinh nghiệm từ ngày tìm hài cốt của anh Bào, lần này chị Thảo kết nối điện thoại với cô Nguyện thường xuyên hơn, xác định phương hướng cũng rõ ràng hơn, nên đào sâu chừng năm mươi centinet đã thấy hài cốt của liệt sĩ thứ hai. Mọi người xúm lại, mừng rỡ, nhẹ nhàng nhặt từng mảnh xương của anh lên xếp ngay ngắn, gọn gàng. Đang xếp lại phần xương vừa tìm thấy cho ngay ngắn, chị Thảo thấy máy có cuộc gọi đến. Số điện thoại của cô Nguyện, ngay lập tức chị mở máy, bật loa ngoài cho mọi người cùng nghe:

– Đủ xương cốt rồi. Nhưng trong mộ còn bó dây thừng đấy!

Một chiến sĩ trong Đội Quy tập xác nhận chính anh là người vừa chạm vào “bó dây” ấy, nhưng không nhặt lên vì thấy không phải là xương. Mọi người có mặt không khỏi kinh ngạc! Các chiến sĩ trong Đội Quy tập bày tỏ: các anh đã đảm nhận công việc quy tập mộ nhiều năm nay, các anh em trong đội rà mìn tránh đạn, đào bới ngẫu nhiên thôi, chứ chưa có người chỉ dẫn, nhất là chỉ dẫn chính xác từ xa như thế này. Họ còn nói vui với chị Thảo: Chị có giấu nhà ngoại cảm ở gần đây không đấy ạ!?

Xế trưa cùng ngày, chị Thảo và các chiến sĩ lại chuẩn bị quân trang tư trang tiếp tục theo chỉ dẫn của cô Nguyện là dịch lên phía Tây Bắc cách chỗ anh liệt sĩ thứ hai chừng sáu mét để tìm gặp anh thứ ba. Lúc này thông tin về đoàn chiến sĩ tìm mộ của Việt Nam đi tìm mộ liệt sĩ bằng tâm linh đã lan ra khắp các bản, làng. Bà con dân bản tò mò tới xem và cùng đào bới giúp đỡ cũng khá đông. Các chiến sĩ Đội Quy tập được bổ sung thêm nhân lực, chia nhau từng tốp để tìm kiếm. Diện tích đào đã khá rộng và mọi người cũng đã thấm mệt mà vẫn chưa tìm được anh thứ ba. Chị Thảo lại chắp nối điện thoại trình bày với cô Nguyện, thì được cô cho biết:

– Trước mặt chị có hai tốp, mỗi tốp ba người. Tốp ba người Việt Nam, có một anh da trắng, má lúm đồng tiền, đang đứng chống xẻng đấy! Ngay dưới chân anh ta có loại cây giống cây trúc ở Việt Nam (cây bông lau). Đào ở chỗ đó là thấy anh liệt sĩ thứ ba. Mà đã tìm được anh thứ ba đâu mà đi tìm anh thứ tư? Gọi tốp đang đi ra bờ suối về tìm anh thứ ba đi. Chưa tìm thấy anh thứ ba mà đã vội đi đón anh thứ tư thế? À, anh thứ ba hài cốt không còn nhiều đâu nhé!

Cái anh có “má lúm đồng tiền, da trắng” là chỉ huy mới nhận nhiệm vụ, mặc dù đã được rèn luyện tinh thần đối mặt với những khó khăn và bất ngờ, nhưng trước những thông tin cô Nguyện vừa “đọc ra” – anh Huy (tên người chỉ huy mới) không khỏi giật mình, toát mồ hôi. Anh vội chỉ đạo mọi người tập trung về một mối đào bới cẩn thận, chẳng mấy chốc đã thấy được hài cốt của anh thứ ba.

Một ngày trên đất bạn qua đi và có thêm ba liệt sĩ của

Việt Nam được các chiến sĩ trong Đội Quy tập tìm thấy. Các chiến sĩ trong Đội Quy tập vui mừng phấn khởi vì đây là lần đầu tiên cả đội đi tìm hài cốt liệt sĩ có sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm chính xác đến độ ngạc nhiên. Người dân bản cũng mừng vui không kém, họ đem cơm rượu ra tận nghĩa trang thết đãi các chiến sĩ. Còn với riêng chị Thảo, không biết có phép mầu nhiệm nào mà bệnh huyết áp cao trước đây thường xuyên hành hạ chị – vậy mà mấy ngày tìm kiếm vất vả, ăn ngủ tại nghĩa trang – căn bệnh ấy “tự dưng” biến mất. Giấc ngủ đêm nay đến với chị nhẹ nhàng hơn. Các chiến sĩ trong Đội Quy tập cũng tự hào, lấy niềm vui của ngày hôm nay làm hành trang cho ngày tìm kiếm tiếp theo.

Sáng hôm sau, cũng theo sự chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện, đoàn chiến sĩ Đội Quy tập mộ, bà con dân bản và chị Thảo ra bờ suối cách đó không xa, tìm thấy hài cốt của liệt sĩ thứ tư. Thật không may mắn như ba đồng đội trước, anh thứ tư đã một lần được người dân bản phát hiện ra hài cốt của mình khi họ phát rẫy làm vườn. Người dân bản này sợ hãi đã lấy cành cây chất đốt phần mộ của anh nên xương cốt không còn nguyên vẹn, dính lẫn với những tàn của lớp nilông. Các chiến sĩ vẫn cẩn thận tìm kiếm dù chỉ là một chút xương nhỏ của anh gói ghém đưa về quê hương.

Vậy là ba ngày lăn lộn kiếm tìm ở khu đồi hoang thuộc bản Na Cốc, huyện Nậm Bản, tỉnh Luông Pha Băng nước bạn Lào, được sự giúp đỡ tận tình của người dân bản cùng những thông tin của nhà ngoại cảm cung cấp, chị Thảo và các chiến sĩ trong Đội Quy tập mộ Quân khu II đã tìm được hài cốt của anh Bào cùng ba người đồng đội của anh. Bốn bộ hài cốt chỉ đánh dấu bằng những viên đá cuội khắc chữ kí hiệu A, B, C, D – mỗi viên đá ấy chứa đựng sức nặng linh hồn của một con người mặc dù nó chưa xác định được danh tính.

???????????????????????????????

(Lễ truy điệu các Liệt sĩ tại Nghĩa trang Tân Trang – Điện Biên)

Ngày 19-5 năm Canh Dần, hài cốt của anh Bào và đồng đội được đưa về nghĩa trang Tân Trang, tỉnh Điện Biên. Sau hơn hai mươi năm phiêu bạt, liệt sĩ Trần Văn Bào đã trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình, bạn bè, đồng chí nhờ sự giúp đỡ tận tình của nhiều người, đặc biệt là sự nỗ lực, tận tâm của người em dâu út Nguyễn Thị Phương Thảo!

Hồng Quỳ

| Mục lục | Bài tiếp theo |

1 thoughts on “nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện

  1. toi cung tim duoc mo anh trai la liet si o quang tri nam 2010. tat ca cung dung tuong tu nhu cau chuyen tren.ba Nguyen nhin thay duoc o khong gian khac.ba la ngoai cam so 1cua TTNCTNCN cuaTTKHCNUD oHaNoi.

Bình luận về bài viết này