Tìm được mộ cha – người lính trung đoàn 24 nhờ ngoại cảm

Tìm được cha – người lính trung đoàn 24 sau gần nửa thế kỷ lưu lạc
nhờ khả năng đặc biệt

Hướng đến kỷ niệm ngày 27/7, trên khắp mọi miền đất nước lại trào dâng những nghĩa cử thiêng liêng “uống nước nhớ nguồn” hồi hướng cho hương linh những anh hùng liệt sỹ – những con người bất tử vì nước vì dân một đi không trở lại. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng cuộc kiếm tìm hài cốt liệt sỹ vẫn chưa bao giờ ngừng lại. Sau đây là một trong những trang huyền thoại kể về câu chuyện tìm cha là Liệt sỹ của chị Trần Thị Hoa nhờ khả năng đặc biệt…

Tháng 10 năm 1963 bố tôi xung phong lên đường nhập ngũ, để lại quê hương mẹ già và người con gái nhỏ duy nhất là tôi, khi ấy mới được bốn tuổi. Bố tôi lại là con trai duy nhất của bà nội. Khi bố vào chiến trường không gửi về một dòng tin tức, mẹ đành bỏ tôi đi bước nữa. Bà nội cố gắng nuôi nấng tôi và lấy đó làm niềm tin mong đợi có ngày bố tôi chiến thắng trở về.

–> Tổng hợp các bài viết về nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư

Những thông tin ban đầu ít ỏi về sự hy sinh của bố tôi.

Đơn vị của bố tôi là Trung đoàn 24 – một trong những đơn vị chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh B3 chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên, cơ động đánh địch trên chiến trường Hạ Lào, Campuchia. Trung đoàn trưởng lúc bấy giờ là trung tướng Nguyễn Quốc Thước (sau này là đại biểu Quốc hội các khóa 8,9,10).

Tháng 11 năm 1965 đơn vị làm lễ xuất quân vượt Trường Sơn, hành quân đến Tây Nguyên đúng vào dịp Tết Giáp Ngọ (1966). Đơn vị đã có các trận đánh quan trọng tại các cứ điểm: Gia Lai, Kon Tum, sông Sa Thầy, Đắc Tô – Tân Cảnh… Bố tôi làm lính thông tin. Trong một trận đánh ác liệt, bố tôi bị thương rất nặng, được đồng đội đưa về trạm quân y dã chiến đặt ở khu vực bí mật đóng tại Kon Tum (sau xác định đó là vị trí ở rừng Chưmoray). Do vết thương quá nặng nên bố tôi đã hi sinh ngày 27/12/1968. Thông tin quý giá này tôi có được là do chú Lê Minh Khuê (hiện đang ở số 1, ngách 149/168, tổ 19, Hồ Tùng Mậu, thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) là người đồng hương cùng chiến đấu với bố tôi trong trận tấn công năm 1968 kể lại. Chú Khuê còn cho biết: Sau trận đánh ông có quay lại tìm trạm quân y này song không xác định được nữa vì trạm quân y cũng bị bom B52 cày xới nhiều lần, tan nát. Vậy mà mãi đến năm 1978, UBND xã Tân Lập mới chính thức thông báo tin buồn cho bà cháu tôi và làm lễ truy điệu cho bố tôi. Lúc này tôi đã lớn và vô cùng đau buồn khi nhận tin chiến tranh đã cướp mất người bố vô cùng kính yêu của tôi rồi.

Bóng chim tăm cá, biết tìm cha nơi đâu ?

Những ngày ấy lòng tôi buồn da diết nhưng vẫn cố gắng tỏ ra cứng rắn để làm chỗ dựa cho bà nội. Tôi nghĩ chắc bà cũng đang âm thầm chịu đựng nỗi đau thương mất đứa con độc nhất của mình. Có những đêm tôi chợt thức giấc, thấy bà ngồi khóc một mình. Tôi càng thương kính bà càng thấy tủi thân cho mình – đứa con mồ côi.Tôi tự hứa với lòng mình sau này có điều kiện sẽ nhất quyết đi tìm bố về làm vui lòng bà.

Năm 1981 tôi lấy chồng. Anh ấy là một người lính đã từng tham gia trong trận truy quét bọn Fulrô ở Tây Nguyên, vì vậy việc đi tìm bố có anh đồng hành tôi cũng có thêm sức mạnh tinh thần. Có những lúc chú Khuê cùng với vợ chồng tôi đi đến gặp các đồng đội một thời với bố để tìm hiểu thông tin hoặc đến các nghĩa trang ở Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc…nhưng kết quả vẫn bặt vô âm tín. Tại các nghĩa trang, có rất ít mộ có tên liệt sỹ mà chủ yếu là những mộ với tấm bia có chữ “mộ chưa xác định”. Trạm quân y dã chiến nay không còn nữa, biết tìm bố ở đâu giữa Tây Nguyên bao la bát ngát thế này?

Tôi thấy thất vọng, đau khổ vì một phần là chưa tìm thấy bố, song còn điều đau khổ hơn là bà nội – người ruột thịt duy nhất – cũng rời bỏ tôi về thế giới bên kia với lời nhắn gửi đứt quãng: “Các cháu cố gắng… đi tìm hài cốt của bố…đừng nản chí nhé!”

Lời trăng trối của bà cứ luôn văng vẳng bên tai tôi.

Những khi rảnh rỗi, vợ chồng tôi đi sâu tìm hiểu việc các gia đình đã đi tìm người thân, tìm liệt sĩ. Trời ơi, tìm hiểu ra mới biết công việc này không đơn giản chút nào: có rất nhiều cách, nhiều kiểu, nhiều trung tâm và nhiều ông đồng bà cốt tự nhận mình là các nhà ngoại cảm. Kết quả tin tưởng không đáng bao nhiêu, có gia đình nhận mộ đấy song trong lòng vẫn phân vân, nghi hoặc. Có những gia đình đưa được hài cốt về thì lại có gia đình ở nơi khác cùng đến nhận. Có những gia đình đưa hài cốt về được khoảng một vài năm, sau đó đi giao lưu thì vong về bảo là chưa đúng hoặc hài cốt của liệt sỹ thì không lấy mà đi đưa nắm đất rừng về…Càng tìm hiểu càng thấy mình như đang lạc vào mê hồn trận của thế giới siêu hình, tâm trí hoang mang, tôi chẳng còn biết việc tìm cha phải bắt đầu từ đâu…

Một địa chỉ đã giúp tôi khơi dậy niềm tin.

Tôi vô tình đọc được trên tờ tạp chí “Ngôi sao thời đại” thông báo của Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA với nội dung “Kính báo về chương trình tìm mộ liệt sĩ bằng khả năng ngoại cảm của ba cơ quan: Liên hiệp Khoa học UIA – Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) và Trung tâm bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống”; địa chỉ tại số 1 Đông Tác, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội.

Đọc xong thông báo này niềm tin tìm thấy mộ bố lại trỗi dậy trong tôi. Tôi đến tìm hiểu kỹ thì được biết: đây là một Chương trình khảo nghiệm khoa học về các khả năng đặc biệt do 3 cơ quan phối hợp thực hiện, được Nhà nước cấp phép hoạt động, trong đó có công tác tìm kiếm hài cốt liệt sỹ…Trong quá trình khảo nghiệm tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, không thu kinh phí dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu mọi người phát tâm công đức thì là hoàn toàn tự nguyện, không gượng ép! Quá trình đi tìm mộ các gia đình phải hết sức tiết kiệm theo ý nguyện của các hương hồn liệt sĩ. Hơn nữa, tại đây có nhiều nhà ngoại cảm giỏi được tặng thưởng Gương Huyền Thông…

Sau nhiều ngày thăm dò, và không còn do dự nữa, tôi quyết định đến số 1 Đông Tác đăng ký tìm mộ bố. Tôi được ông tiến sĩ Vũ Thế Khanh – Tổng giám đốc Liên hiệp UIA- và các nhân viên ở đây hướng dẫn tận tình, tỉ mỉ từ việc tham gia khóa lễ cầu siêu, lễ phóng sinh… nhằm hồi hướng cho các vong linh trong gia tiên và liệt sĩ. Sau đó, gia đình tôi được ưu tiên áp vong vào sáng ngày 26/4/2010. Hôm đó, vong linh bố tôi cũng hiện về nhập vào người thân trong gia đình nhưng không nói được gì. Bố chỉ ra hiệu bằng tay và tỏ ra vô cùng đau đớn. Cuộc giao lưu luôn bị đứt quãng vì bố tôi đau quá nên không trò chuyện được với con cháu và chưa thể cung cấp thông tin về sự hi sinh hoặc phần mộ bố đang ở đâu.Trong khi đó, một số gia đình khác vong về nói chuyện rất tốt, họ vui vẻ phấn khởi ra về và làm các công việc tiếp theo. Lòng tôi quặn lại vì thương bố vô cùng. Vậy là, điều tôi mong ước thiết tha đau đáu là tìm được mộ bố vẫn chưa thực hiện được. Tôi buồn bã, lê đôi chân nặng nề xuống tới tầng 1 của cơ quan UIA, thì tự dưng đâu đó vang lên tiếng của bà nội: việc đi tìm mộ bố không được nản chí!

“Nhà phiên dịch” giữa hai cõi giới Âm – Dương

Tôi chia sẻ tâm trạng băn khoăn của mình với cán bộ ở UIA, họ mách cho tôi còn một cách giao lưu với gia tiên nữa, đó là thông qua nhà ngoại cảm. Tôi đăng ký và chờ đợi theo thứ tự vì số gia đình tìm liệt sĩ đến đăng ký theo hình thức này rất đông.

Gần một năm chờ đợi, tôi nhận được điện thoại của cơ quan thông báo lịch giao lưu của gia đình với nhà ngoại cảm. Nhà tôi được giao lưu với gia tiên qua nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư (sau đây tôi gọi là cậu Lư). Vừa bước vào phòng giao lưu, cậu Lư nói một mạch: Liệt sĩ nhà anh chị đã về ngồi đây rồi. Hiện nay vong rất đau do bị thương nặng ở đầu, tay; chân còn đi cà nhắc. Liệt sĩ chiến đấu, bị thương rồi được đưa vào trạm Quân y, sau đó hi sinh do tiểu phẫu, thi thể còn bị bom hất lên hất xuống. Hài cốt hiện vẫn còn. Nếu các con có đi tìm thì vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Hồi mà tìm. Phần mộ đã được quy tập về đây rồi.

Ngọc Hồi ở đâu ạ? Cậu hỏi gia đình tôi.

Chồng tôi trả lời: – Ở tỉnh Kon Tum.

Liệt sĩ nhà mình ở nghĩa trang Ngọc Hồi – cậu Lư nói .

Tôi vô cùng xúc động bởi những thông tin cậu vừa nói hoàn toàn trùng khớp với lời chú Khuê – đồng đội của bố tôi kể lại trước đây.

Cậu Lư còn cho biết: cùng về với vong bố tôi còn một vong bộ đội nữa là bố của Tuấn. Vong này cũng mất tại Tây Nguyên và mới được đưa về quê hương. Ông này cũng tham gia đi tìm cậu em của mình. Thật là kỳ lạ, đó chính là anh rể của bố tôi, không hiểu sao cậu Lư lại biết được. (cũng phải nói thêm, hôm đi đón hài cốt bác tôi từ Tây Nguyên trở về, vợ chồng tôi có cầu khấn bác linh thiêng giúp tôi đi tìm được bố. Phải chăng hôm nay bác cũng về đây để chỉ giúp hài cốt của bố tôi?).

Sau đó tôi nhờ cậu Lư chỉ dẫn vẽ sơ đồ, nhưng cậu nói vong chưa chỉ dẫn và bảo tôi phải đi vào Tây Nguyên đã rồi vong mới chỉ dẫn tiếp.

Tôi hỏi: – Vong có nhận ra con gái không?

Cậu cười và nói: – Bố con giao lưu từ bấy đến giờ còn không nhận ra được sao! Liệt sĩ nhắn lại với tôi là: Hiện nay trong lòng các con còn đang chần chừ chưa quyết có định đi tìm nữa hay không đấy, nên liệt sĩ chưa cho vẽ sơ đồ.

Thật quá đúng với tâm trạng của chúng tôi lúc bấy giờ!

Cuộc giao lưu kết thúc, cậu Lư cho chúng tôi số điện thoại rồi dặn: nếu gia đình đi vào nghĩa trang Ngọc Hồi thì liên lạc với tôi. Việc đi tìm mộ phải nhất tâm, phải có niềm tin tuyệt đối, nhớ ghi lại các sự vật, hiện tượng, linh cảm trong quá trình tìm kiếm, đặc biệt nên chuẩn bị cả phương án là liệt sĩ có thể nhập vào người thân chỉ dẫn, do vậy phải có nhiều người đi để hiểu và làm theo hướng dẫn.

12 Liệt sỹ của Trung đoàn 24

Sự tận tâm, ân cần của cậu Lư tạo động lực cho chúng tôi lên đường đi tìm bố ngay đầu tháng sáu. Nhưng trong lúc đang sắp xếp công việc cho ổn thỏa, một hôm chồng tôi được bố báo mộng là sẽ tìm thấy mộ bố. Khi đón bố về thì được tổ chức với nghi thức rất trọng thể. Trong lúc sắm lễ cúng vong linh bố phải bày 12 cái bát, 12 đôi đũa, 12 bộ quần áo, mũ, giày… Nói chung các thứ đều phải là 12. Tôi cứ thắc mắc: Sao cứ phải là con số 12, mà không phải là con số khác? Con số 12 có ý nghĩa gì? Thế nào là nghi thức trọng thể? Anh Thắng bảo: Được bố báo mộng vậy thì mình cứ chuẩn bị, chứ biết giải thích thế nào.

Ngày 04/6/2011, lên đường đi tìm bố chỉ có vợ chồng tôi chứ không bố trí được nhiều người như cậu Lư dặn. Hai ngày sau chúng tôi có mặt tại Kon Tum. Giữa núi rừng Tây Nguyên lạ lẫm và huyền bí tôi thấy mình bé nhỏ, lòng thấy hồi hộp khó tả. Rất may là chồng tôi đã từng công tác tại đây nên anh đã củng cố tinh thần cho tôi, khiến tôi quên đi nỗi lo lắng và tin rằng việc tìm kiếm sẽ có kết quả. Chúng tôi được các cán bộ phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hồi đón tiếp rất tận tình, chu đáo. Họ hướng dẫn và đưa chúng tôi ra nghĩa trang Ngọc Hồi ở thị trấn Pleikần. Vừa tới nghĩa trang, tôi điện báo cho cậu Lư, nhờ cậu chỉ dẫn. Thắp hương làm lễ ở nghĩa trang xong thì trời tối, chúng tôi đành tìm nhà trọ gần nghĩa trang cho tiện công việc ngày hôm sau và cũng muốn lân la tìm hiểu thêm một số thông tin.

Lần đầu tiên nghỉ chân tại miền đất lạ nhưng tôi lại thấy ấm áp như ở quê mình – Mảnh đất Tây Nguyên đã chứng kiến bao gian khổ cùng với bao chiến công của bố tôi và đồng đội – giờ đây còn thấm đẫm máu xương của bố cùng các liệt sĩ khác. Bố ơi, bố sống khôn chết thiêng, bố về đây chỉ đường cho đứa con gái bé bỏng tìm được bố! Khấn thầm như vậy, tôi thiếp đi lúc nào không hay!

Sáng sớm hôm sau vợ chồng tôi ra nghĩa trang thắp hương rồi đến huyện đội tìm hiểu về thông tin của bố. Trung đoàn 24 năm xưa đã chuyển vào tận miền Tây Nam Bộ – Quân khu 9. Hồ sơ của bố và đồng đội lúc bấy giờ lại lưu trữ ở Bộ Tư lệnh B3 đóng tại Gia Lai. Còn Trung đoàn 24 – sư đoàn 10 – Binh đoàn Tây Nguyên lại là đơn vị mới thành lập. Vì vậy mọi thông tin của bố đều mờ mịt, không ai biết hồ sơ về bố tôi ở đâu. Vợ chồng tôi lại quay về nghĩa trang Ngọc Hồi dâng hương và cầu khấn vong linh các anh hùng liệt sĩ nơi đây giúp tôi tìm được bố. Lần này tôi đem ảnh của bố, ghi rõ ngày tháng năm sinh, ngày nhập ngũ, ngày hi sinh theo giấy báo tử, tên đơn vị rồi tên những người thân như chú Khuê, tên bà nội, vợ chồng tôi, quê hương và tất cả những thông tin mà tôi có được về bố tôi với tất cả niềm tin hy vọng để ai biết được bố tôi ở đâu hãy giúp đỡ chúng tôi. Lòng khát khao tìm được hài cốt bố tôi cũng giống như tất cả các gia đình của các liệt sĩ mà máu xương vẫn còn nằm lại trên mảnh đất này.

Nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi rộng mênh mông với hơn mười ngàn ngôi mộ, trong đó số mộ có tên chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại phần nhiều là mộ chưa xác định được tên.Vợ chồng tôi đi thắp hương từng ngôi. Rất kỳ lạ khi thắp hương xong ở hàng 1, ô mộ D10 đi xoay theo hướng khác thì bất ngờ chồng tôi lại quay lại và nói: Em ạ, anh có cảm giác như có lực vô hình níu chân anh lại, hãy đến đây cầu khấn đi và xem ở hàng 1 – D10 này có 8 ngôi thì 7 ngôi ở dưới có thêm dòng chữ Trung đoàn 24. Ngôi số 1 lại có tên ARap. Chúng tôi thắp hương và cầu khấn rằng: Có phải vong linh bố hay đồng đội của bố thì hãy phù hộ chỉ dẫn cho chúng con!

Trời tháng sáu Tây Nguyên nắng như thiêu như đốt. Chúng tôi cùng ngồi ở mé hàng cây gần nghĩa trang bàn luận mắt luôn hướng về nghĩa trang, bỗng một ngôi mộ ở ngoài cùng có vệt sáng ánh lên như có tấm gương phản chiếu. Nhìn đi nhìn lại hai, ba lần tôi đều thấy thế.Tôi cứ ngỡ mình bị hoa mắt, quay đi quay lại, lại thấy. Tôi đứng lên đi về ngôi mộ đó thì lại phát hiện hai ngôi mộ liền nhau có thêm dòng chữ trung đoàn 24, ngôi ngoài đề “mộ quy tập ở Sa Loong”, ngôi trong đề “quy tập từ Đắc Glây”, còn các ngôi mộ khác thì chỉ có đề “mộ chưa xác định được tên”. Tấm bia trên mộ nhòe dần theo làn nước mắt tôi. Tôi có cảm giác không muốn rời xa hai ngôi mộ đó. Tôi gọi chồng tôi đến thắp hương. Đó là hai ngôi mộ số 8 và số 9 hàng thứ 5 ô mộ F10. Tôi chẳng còn hào hứng đi thắp hương tiếp các ngôi mộ khác nữa mà để mặc chồng đi một mình. Sau đó anh quay trở lại và cho biết: ở ô mộ E10 có một ngôi mộ ghi dòng chữ “Trung đoàn 24 quy tập từ Sa Thầy về”; ô D10 có hai ngôi mộ đề “Trung đoàn 24”. Tổng cộng cả nghĩa trang có 12 ngôi mộ đề dòng chữ “Trung đoàn 24” – liệu con số 12 này có gì liên quan đến con số 12 xuất hiện trong giấc mộng trước lúc lên đường?

tim mo nvl_1

Vệt sáng trên bia mộ

“Cầu truyền hình trực tiếp” với thế giới Tâm linh

Lúc này chồng tôi điện thoại kết nối với cậu Lư báo cáo với cậu là đã tìm hiểu hết các ngôi mộ ở nghĩa trang, không có mộ nào có tên của bố tôi. Lạ một điều là toàn nghĩa trang có 12 ngôi mộ đề “Trung đoàn 24” là tên đơn vị của bố tôi. Cậu không trả lời vào các vấn đề tôi trình bày mà hỏi lại:

Ở nghĩa trang hiện nay có ba người: hai người đi tìm mộ, còn một người kia là ai? Hai người đi tìm mộ có phải là người nhà mình không?

Vừa nghe điện thoại tôi vừa quan sát thì thấy quả là đúng như lời cậu Lư nói: Ở nghĩa trang chỉ có vợ chồng tôi và bác quản trang.

Thật cảm phục làm sao, ở tận Hà Nội mà cậu có thể nói chính xác đến như vậy. Sau đó cậu bảo cứ về nghỉ đi hiện giờ cậu chưa có thông tin gì mới, ngày mai làm tiếp.

Ngay sáng hôm sau, cậu Lư bảo chúng tôi cứ tiếp tục thắp hương cầu khấn và đi lên Bộ Tư lệnh – Quân đoàn 3 tìm hiểu thông tin để tăng thêm phần chính xác. Song không có thông tin gì của bố, Quân đoàn lại giới thiệu chúng tôi xuống Sư đoàn 10, Trung đoàn 24 để tìm hiểu về trạm quân y dã chiến xưa kia. Ở đây, các anh em đều là những người mới nên họ cũng không thể xác định được. Hai vợ chồng tôi mệt mỏi quay về huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum để chờ đợi thông tin của cậu Lư.

Lại một ngày nữa qua đi, chúng tôi không có thêm được thông tin mới nào về bố nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn hi vọng là chuyến này sẽ tìm được bố. Sáng hôm ấy, cậu Lư chỉ dẫn chúng tôi tập trung thắp hương ở 12 ngôi mộ quy tập có ghi Trung đoàn 24. Cậu bảo: Có một vong bộ đội thông tin cho biết là đồng chí ấy ở Hạ Hội hay Hạ Hồi gì đó. Hôm qua vong này đã chỉ cho con cháu khu vực chỗ vong nằm rồi mà.

Tôi trả lời: – Gia đình tôi đang ở Ngọc Hồi chứ có phải Hạ Hồi đâu ạ?

Không. Vong bảo Hạ Hội cơ !. Thế gia đình liệt sĩ có gì liên quan đến hai chữ “Hạ Hội” không?

– Nhà con ở thôn Hạ Hội ạ! Tôi đáp luôn.

Vậy vong bộ đội đúng là liệt sỹ nhà mình rồi – Cậu Lư khẳng định.

Tôi cuống quýt hỏi:- Vậy bố con đang nằm ở phần mộ nào ạ?

Gia đình cứ giữ liên lạc nhé! Bây giờ chưa có thông tin tiếp.

Gia đình tôi ngồi đợi và không quên cầu khấn. Đến tầm trưa, cậu Lư lại điện cho gia đình tôi bảo: – Sao nắng thế mà vẫn ngồi ở nghĩa trang à? (Tôi ngỡ ngàng cứ như cậu đứng gần đây mà nhìn thấy chúng tôi vậy!). Anh chị đang ngồi ở hai ngôi mộ liền nhau, ở đó đang có một vong bộ đội ngồi lên ngôi mộ phía trong.

Trời ơi! Rất trùng hợp với linh cảm của tôi từ khi bước vào nghĩa trang đến bây giờ (điều này tôi chưa nói với cậu). Lòng tôi rộn lên: – Cậu ơi, bố con ở ngôi nào?

Cậu Lư bảo: – Vong chưa cho biết.

Chúng tôi tiếp tục chờ đợi. Đến tầm 12 giờ trưa, cậu Lư chủ động điện cho chúng tôi, nói: – Ngôi ngoài cùng là của bố chị. Đó là mộ số 9, hàng thứ 5, ô mộ F10. Hài cốt không còn đầy đủ đâu: Xương sọ hầu như không còn, chỉ có một chân, các phần khác còn rất ít. Gia đình làm lễ nhận mộ đi, chính xác rồi đấy!

Chúng tôi mừng rỡ, sắp đồ lễ mọi thứ đều có số lượng là 12, rồi với lòng thành kính dâng lên cảm tạ thần linh bản địa, hương linh các anh hùng liệt sĩ vui chung niềm vui của gia đình tôi sau 49 năm, con mới tìm gặp được bố. Và bây giờ vợ chồng tôi mới lý giải được con số 12 bố dặn anh Thắng trước khi chúng tôi vào nghĩa trang. Đêm hôm đó, chồng tôi không ngủ được, lại ra nghĩa trang. Anh ngồi ở nghĩa trang quan sát thấy ngôi mộ lúc chiều cậu Lư bảo là mộ của bố tôi thỉnh thoảng lại có ánh sáng bừng lên trong khi các ngôi mộ khác đều chìm trong bóng tối. Đến giờ chúng tôi vẫn chưa lý giải được hiện tượng này.

tim mo nvl_2 Anh Thắng thắp hương ở mộ số 9 tại nghĩa trang Ngọc Hồi

Ngày hôm sau chúng tôi không có thông tin gì từ phía cậu Lư nên đến Phòng Lao động – Thương binh Xã hội huyện Ngọc Hồi để báo cáo lại việc gia đình nhận ngôi mộ số 9 hàng thứ 5 ô mộ F10 theo chỉ dẫn của nhà ngoại cảm, đồng thời xin được tìm hiểu hồ sơ của phần mộ này. Tìm mãi chỉ có 11 bộ hồ sơ trong số 12 ngôi mộ có bia ghi Trung đoàn 24. Lạ thay ngôi mộ số 9 gia đình tôi nhận lại không có hồ sơ. Thắc mắc về vấn đề này, chúng tôi được các anh ở phòng LĐTB – XH giải thích: Theo quy trình giao nhận hài cốt thì hồ sơ liệt sĩ còn ở Quân đoàn 3, đóng tại tỉnh Gia Lai. Vợ chồng tôi quay ngược lại Quân đoàn 3 tìm hiểu thì thật may: ngôi mộ số 9 có hài cốt; được phát hiện và đưa từ rừng Chư Mo Ray, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum về quy tập tại nghĩa trang huyện Ngọc Hồi. Và đặc biệt, hiện nay ở xã Sa Loong có Bệnh viện Đa khoa Sa Loong (tiền thân là trạm Quân y của quân đội). Chúng tôi rất muốn đến nơi này nhưng vì địa hình phức tạp nên ý nguyện đó chưa thực hiện được.

Sự kết hợp diệu kỳ giữa khoa học Hình sự và khoa học Tâm linh

Gia đình tôi ở Kon Tum thêm bốn ngày nữa để chờ đợi thông tin từ phía cậu Lư nhưng không có thông tin gì nữa. Trong khi đó, có ba gia đình ở ngoài Bắc vào nghĩa trang xác định mộ. Đặc biệt có một gia đình cũng do cậu Lư hướng dẫn xong liền được đưa hài cốt liệt sĩ về quê luôn. Cậu khuyên chúng tôi nên trở về Hà Nội. Chúng tôi nghĩ: khi bố xông pha trận mạc có cờ dong trống mở thì khi về cũng phải được đón rước đàng hoàng. Để được như vậy phải có bằng chứng thuyết phục hoặc phải có cơ sở khoa học. Như vậy chỉ còn một cách là xin mượn mẫu hài cốt về giám định AND. Gia đình tôi đề nghị phòng LĐTB – XH giúp đỡ, và đã được đáp ứng một cách nhanh chóng.

Trở lại nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Hồi, tôi luôn luôn cầu khấn vong linh bố: nếu không phải bố thì cũng tha thứ cho con. Còn nếu đúng là bố thì bố hãy chỉ dẫn, mách bảo cho chúng con. Sau khi làm lễ xin được mượn một mẫu hài cốt, chúng tôi còn ngồi đợi giờ tốt để mở tiểu thì tự nhiên tôi thấy xuất hiện một con bướm rất đẹp cứ đậu ở cạnh bàn đặt lễ. Tôi huơ huơ tay nhằm đuổi bướm đi nhưng con bướm cứ đậu lì ở cạnh bàn cho đến khi xong thủ tục thì bay vụt mất. Anh Thắng thấy lạ liền lấy máy điện thoại ghi lại khoảnh khắc này. Chúng tôi bồi hồi xúc động khi hài cốt dưới mộ đúng như cậu Lư tả hôm trước: chỉ còn một xương ống chân, xương vụn các loại, xương sọ không có…Chiếc răng vàng của bố mà chú Khuê dặn lưu ý khi đi tìm mộ bố thì chưa thấy. Mượn ít mẫu xương ống chân và một miếng xương vụn gói lại cho vào lọ xong, chúng tôi tạ lễ, chào mọi người rồi lên đường về Hà Nội.

Suốt chặng đường dài tôi không rời chiếc lọ đựng mẫu hài cốt, cho đến khi về tới nhà, chồng tôi chuyển hài cốt sang cái lọ to hơn để đặt lên bàn thờ thì đột nhiên có một con bướm to không biết từ đâu bay đậu vào tay anh. Con bướm này trông rất giống con bướm tôi đã nhìn thấy ở nghĩa trang Ngọc Hồi. Tôi vội vàng ghi lại hình ảnh này. Anh Thắng vừa di chuyển vừa khấn: nếu là vong linh của bố thì mời bố lên trên nhà ngự trên bàn thờ. Con bướm vụt bay đi. Tưởng là chuyện không đâu nhưng tự nhiên lại thấy con bướm ấy đậu vào ngực anh Thắng. Anh cũng khua khua tay như lần tôi làm ở nghĩa trang, con bướm vẫn cứ đậu yên trên ngực anh. Anh lầm rầm khấn: “Nếu đúng là bố thì mời bố lên nhà trên ngự trên bàn thờ gia tiên ạ!”. Lời khấn vừa dứt, con bướm đậu ngay lên bức ảnh chân dung của bố nhưng vì mặt kính trơn nên con bướm không đậu được mà cứ bời bời chân vào bức ảnh hồi lâu thì tụt xuống chiếc hộp phía dưới, được một lúc thì bướm lại bò từ từ vào chân bát hương, đi vòng quanh bát hương, xuống mặt bàn, hai cánh vẫy vẫy liên hồi tỏ ra rất vui mừng. Cả nhà tôi mừng mừng, tủi tủi, nước mắt tuôn trào. Lưu lại bàn thờ gia tiên chừng khoảng nửa tiếng nữa rồi con bướm bay vòng quanh bàn thờ và biến mất.

tim mo nvl_3

Con bướm đậu trên bàn thờ

Khúc khải hoàn ca dâng lên hương linh liệt sỹ

Trở về sau chuyến đi Kon Tum dài ngày tôi tranh thủ đến cơ quan UIA báo cáo kết quả tìm mộ bố mình. Sau đó, tôi liên hệ với Viện khoa học Công nghệ Sinh học để xin được giám định gen. Hoàn thành các thủ tục cần thiết, gia đình lại hồi hộp chờ đợi kết quả. Thường thường, thời gian một tháng thì sẽ có được kết quả giám định gen.Vậy mà đối với gia đình tôi, một tháng, hai tháng rồi ba tháng vẫn chưa có thông báo về kết quả giám định gen. Tôi lo lắng quá, có lúc phát ốm vì chờ đợi. Sự chờ đợi lần này sao chẳng giống như lần đi tìm bố, nó có gì đó nghèn nghẹn đến giờ tôi cũng không thể diễn tả nổi cảm giác đó. Thế rồi cảm giác ấy vỡ òa trong tôi khi nhận được tin Viện Khoa học Công nghệ Sinh học thông báo: Hài cốt mà gia đình tôi xin giám định chính là hài cốt của bố tôi. Viện này cho biết: Do mẫu giám định gen hài cốt của gia đình tôi là một trong số rất ít các mẫu có kết quả đúng, nên để chính xác và khách quan, Viện đã yêu cầu gia đình cung cấp lại mẫu đối chứng để Viện giao cho hai nhóm phân tích độc lập. Cả hai nhóm đều cho kết quả đúng nên thời gian chờ đợi mới lâu như vậy (bốn tháng).

tim mo nvl_4

Kết quả giám định gen

Vậy là sau gần nửa thế kỷ âm thầm nằm trong lòng đất, đến nay vong linh bố tôi đã linh hiển, bia mộ đã khắc tên: LIỆT SĨ TRẦN MINH KÍNH. Hành trình đi tìm bố có sự giúp đỡ tận tình của các cấp chính quyền Hà Nội, tỉnh Kon Tum và đặc biệt là sự tậm tâm chỉ dẫn, giúp đỡ của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư, Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng UIA, Viện khoa học Hình sự bộ Cống an, Trung tâm bảo trợ Văn hóa KTTT, Viện Khoa học Công Nghệ sinh học…

Chúng tôi vô cùng cảm tạ các cơ quan đã mang lại niềm vui vô bờ cho gia đình tôi!

Thay mặt gia đình liệt sĩ Trần Minh Kính
Con gái Trần Thị Hoa
(Hồng Quỳ tổng hợp)
Theo: uia.com.vn

–> Tổng hợp các bài viết về nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư

Tìm hiểu thêm về:

Bình luận về bài viết này